Rà soát, đánh giá quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Rà soát, đánh giá quy định của bộ luật tố tụng dân sự 2015

I. Rà soát, đánh giá những bất cập, vướng mắc về một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015
1. Nhóm quy định về xác định thẩm quyền của Toà án
a. Về kỹ thuật lập pháp
- Khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015 quy định “tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự” thuộc thẩm quyền theo loại việc về dân sự của Toà án. Quy định này dẫn đến cách hiểu là tranh chấp về giao dịch dân sự và tranh chấp về hợp đồng dân sự là khác nhau. Trong khi đó Điều 116 BLDS năm 2015 quy định giao dịch dân sự bao gồm hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương. Như vậy, có thể thấy có sự không thống nhất về kỹ thuật lập pháp giữa BLTTDS năm 2015 và BLDS năm 2015.
- Quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án của Toà án theo lãnh thổ được quy định tại khoản 1 Điều 39 và khoản 1 Điều 40 BLTTDS năm 2015, tuy nhiên hai điều khoản này chưa được sắp xếp dựa trên thứ tự ưu tiên hợp lý, từ đó gây khó khăn cho các chủ thể muốn khởi kiện ra Tòa án khi xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ.

b. Về nội dung quy định
- Điều 33 và khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về lao động của Toà án như sau:
“Điều 33. Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1. Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu.
2. Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
3. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
4. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết lao động của Trọng tài nước ngoài.
5. Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.”
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
d) Tòa án nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành án là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành án có trụ sở, nếu người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài;
đ) Tòa án nơi người gửi đơn cư trú, làm việc, nếu người gửi đơn là cá nhân hoặc nơi người gửi đơn có trụ sở, nếu người gửi đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết yêu cầu không công nhận bản án, quyết định dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam;
e) Tòa án nơi người phải thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài cư trú, làm việc, nếu người phải thi hành là cá nhân hoặc nơi người phải thi hành có trụ sở, nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức hoặc nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
v) Tòa án nơi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể đó vô hiệu;
x) Tòa án nơi xảy ra cuộc đình công có thẩm quyền giải quyết yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công;
…..”
Đối chiếu các quy định tại điểm d, đ, e, v, x khoản 2 Điều 39 BLTTDS năm 2015 với khoản 1, 2, 3, 4 Điều 33 BLTTDS năm 2015, có thể thấy sự tương thích trong việc xác định thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ tương ứng với mỗi yêu cầu về lao động. Tuy nhiên đến khoản 5 Điều 33 BLTTDS năm 2015: “Các yêu cầu khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật” thì không thể tìm thấy được bất kỳ quy định nào để xác định thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ, ngay cả khi đã đối chiếu các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 40 BLTTDS năm 2015 về thẩm quyền của Toà án theo sự lựa chọn của người yêu cầu. Có thể dẫn chứng một trường hợp cụ thể như sau: Trường hợp người lao động có yêu cầu Toà án huỷ Quyết định điều chuyển người lao động của người sử dụng lao động vì cho rằng Quyết định này là trái với quy định của pháp luật, người lao động khó có thể xác định được thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ giải quyết việc dân sự nói trên để nộp đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS hiện hành.

- Điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 quy định về thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ đối với các tranh chấp có đối tượng là bất động sản như sau:
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”
Xét thấy, theo Văn bản số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, đối với vụ án ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn mà có tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Như vậy, trong thực tiễn xét xử, không phải bất kì quan hệ tranh chấp nào có đối tượng là bất động sản đều do Toà án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có hướng dẫn cụ thể của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc xác định hiểu như thế nào là tranh chấp có đối tượng là bất động sản. Từ đó, dẫn đến việc xác định thẩm quyền thiếu sự thống nhất giữa các Toà án. Cụ thể, đối với các tranh chấp thừa kế tài sản mà một trong các di sản là nhà ở hay tranh chấp về quyền và nghĩa vụ tại các giao dịch liên quan đến bất động sản như Hợp đồng thuê nhà, Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất/nhà ở, Hợp đồng đặt cọc,.. nên áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 hay căn cứ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 để xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ?

2. Nhóm quy định về hoạt động cung cấp, thu thập chứng cứ của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
- Khoản 7 Điều 70 và khoản 2 Điều 106 BLTTDS quy định về quyền đề nghị Toà án yêu cầu cơ quan tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ như sau:
Điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự
7. Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị Tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó;...
Điều 106. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ
2. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị Tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn.
Hiện nay, Hội đồng thẩm phán TANDTC chưa có hướng dẫn về các hiểu như thế nào là “đã áp dụng các biện pháp cần thiết”, hay nói cách khác các biện pháp cần thiết được xác định là gì và thực hiện chúng như thế nào? Điều này vô hình trung đã gây ảnh hưởng đến việc yêu cầu Toà án hỗ trợ trong hoạt động thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ một cách rõ ràng, hợp pháp của đương sự vì đương sự buộc phải chứng minh được mình đã áp dụng các biện pháp cần thiết trước khi thực hiện quyền đề nghị, yêu cầu Toà án theo khoản 2 Điều 106 BLTTDS năm 2015.  Nếu không có quy định cụ thể làm căn cứ cho việc chứng minh của đương sự thì Toà án có thể dễ dàng từ chối từ chối thu thập chứng cứ, từ đó không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Khoản 3 Điều 106 BLTTDS quy định về trình tự, thủ tục Toà án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án như sau:
“Điều 106. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ
3. Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án trong thời hạn
15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; hết thời hạn này mà không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.”
Thực tiễn áp dụng cho thấy quy định này chưa thực sự có tác động mạnh mẽ đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đang lưu giữ, quản lý chứng cứ phải nghiêm túc, nhanh chóng cung cấp chứng cứ bởi lẽ:
Chưa có hướng dẫn về các trường hợp được xem là có “lý do chính đáng” nên Toà án thiếu căn cứ rõ ràng để chấp nhận hoặc không chấp nhận lý do mà cơ quan tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ đưa ra về việc không cung cấp chứng cứ. Nếu Toà án xác định việc không cung cấp chứng cứ là không có lý do chính đáng thì thường bị khiếu nại, không đồng tình. Toà án do vậy mà không kiên quyết áp dụng khoản 3 Điều 106 BLTTDS năm 2015 để kiến nghị xử lý đối với hành vi chậm trễ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thay vào đó, Toà án thường ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do chờ ý kiến trả lời của cơ quan, tổ chức đang giữ tài liệu, chứng cứ, dẫn đến giải quyết vụ án chậm, kéo dài, gây bức xúc cho đương sự.
Mặt khác, chưa có văn bản hướng dẫn việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án không đúng thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Sự thiếu vắng này dễ dẫn đến tình trạng nếu buộc phải cung cấp tài liệu, chứng cứ thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, cá nhân lưu giữ chứng cứ cũng không vội cung cấp đúng hạn, từ đó không bảo đảm quyền được cung cấp chứng cứ của đương sự.

- Khoản 8, 9 Điều 70 BLTTDS năm 2015 quy định về quyền ghi chép, sao chụp tài liệu và nghĩa vụ gửi các tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác như sau:
“Điều 70. Quyền, nghĩa vụ của đương sự
8. Được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.
9. Có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ, trừ tài liệu, chứng cứ mà đương sự khác đã có, tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này”
Trên thực tế rất khó để đương sự có thể thực hiện trọn vẹn được quyền này, bởi đương sự thường chỉ được biết, ghi chép, sao chụp tài liệu do các đương sự khác xuất trình hoặc do tòa án thu thập tại Tòa án. Như vậy trong trường hợp đương sự không được thông báo về việc có chứng cứ mới thì không thể đến Toà án để thực hiện được quyền này. Do vậy cần quy định bắt buộc các bên đương sự khi cung cấp một chứng cứ mới cho Tòa án để giải quyết yêu cầu của mình thì đồng thời phải thông báo bằng văn bản hoặc có thể photo một bản cung cấp cho bên còn lại.

- Điều 76 BLTTDS năm 2016 quy định về Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:
“Điều 76. Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
1. Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.
2. Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật này.
3. Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét.
4. hay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
5. Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự.
6. Các quyền, nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 6, 16, 17, 18, 19 và 20 Điều 70 của Bộ luật này.
7. Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định”
BLTTDS không có quy định về việc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quyền đề nghị Tòa án thực hiện việc xác minh, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng,.... Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp vì những lí do khách quan mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không thể thu thập được chứng cứ, khiến cho hoạt động thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ không đạt được hiệu quả. Do vậy, để yêu cầu Toà án thu thập thêm các tài liệu, chứng cứ cần thiết cho hoạt động chứng minh, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ phải hướng dẫn đương sự viết đơn đề nghị, ký tên rồi mới nộp cho Toà án. Điều này gây mất thời gian, chưa đảm bảo được tính kịp thời trong hoạt động thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ bởi phải thông qua chủ thể trung gian là đương sự.

3. Nhóm quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm
- Khoản 5 Điều 189 BLTTDS quy định về tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện như sau:
Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện
5. Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án
Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TANDTC hướng dẫn khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 như sau: “Về nguyên tắc, khi nộp đơn khởi kiện thì người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trường hợp người khởi kiện không nộp kèm theo bất cứ tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh thì phải có văn bản tường trình, giải thích lý do không có tài liệu, chứng cứ để nộp cho Tòa án hoặc không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Trường hợp lý do việc không nộp được tài liệu, chứng cứ là chính đáng thì Tòa án tiến hành thụ lý vụ án và thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015”.Tuy nhiên thực tiễn cho thấy một số Thẩm phán không áp dụng đúng tinh thần này của BLTTDS năm 2015. Cụ thể, một số Toà án trong thời hạn xem xét đơn khởi kiện đã yêu cầu đương sự bổ sung, tài liệu, chứng cứ theo Điều 193 BLTTDS năm 2015: “2. Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện”, theo đó, nếu hết thời hạn sửa đổi, bổ sung mà đương sự không bổ sung được chứng cứ theo yêu cầu của Toà án thì sẽ trả đơn khởi kiện của người khởi kiện. Cách giải quyết nêu trên của Thẩm phán vô hình trung đã hạn chế quyền khởi kiện của các tổ chức, cá nhân.

- Điều 200 và Điều 201 BLTTDS năm 2015 quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn, quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩ vụ liên quan như sau:
Điều 200. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn
….
3. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Điều 201. Quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể về thời điểm mà Tòa án phải mở phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cũng như quy định về số lần mở phiên họp. Do vậy, trên thực tế, Toà án có thể mở một hay nhiều phiên họp trong quá trình giải quyết vụ án tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm, yêu cầu của từng vụ án khác nhau. Trong trường hợp Toà án mở nhiều phiên họp, việc thống nhất cách hiểu và áp dụng 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 BLTTDS năm 2015 là quan trọng bởi lẽ các quy định này có thể được hiểu theo 02 cách hiểu như sau: (i)  quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập phải được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp đầu tiên và (ii) quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập phải được thực hiện trước phiên họp cuối cùng. Như vậy, quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trước phiên họp đầu tiên hay phiên họp cuối cùng là vấn đề chưa được hướng dẫn cụ thể. Việc hiểu và áp dụng không thống nhất tại Tòa án có thể gây ảnh hưởng đến quyền tố tụng của các đương sự.

- Khoản 1 Điều 207 BLTTDS năm 2015 quy định về những vụ án dân sự không tiến hành hoà giải được như sau:
“Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự bao gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có quyền yêu cầu độc lập. Khác với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, có thể đưa các các yêu cầu chống lại nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập là người tham gia tố tụng đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn, họ không đưa ra yêu cầu độc lập nên việc quy định Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà họ vẫn cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải được là không hợp lý.
Bên cạnh đó, thủ tục hòa giải hiện được quy định tại nhiều luật khác nhau như tranh chấp đất đai trước tiên phải thông qua hòa giải tại UBND cấp xã (Điều 202 Luật đất đai 2013), Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án, hòa giải sau khi thụ lý án theo Bộ luật Tố tụng dân sự nên dễ phát sinh các chồng chéo, mâu thuẫn khi thực hiện.

- Điều 244, 218 BLTTDS năm 2015 quy định về việc đương sự rút một phần yêu cầu và hậu quả pháp lý như sau:
“Điều 244. Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu
1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.
2. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.
Điều 218. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

…..
4. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 244 BLTTDS năm 2015, trường hợp đương sự rút một phần yêu cầu của họ thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu đương sự đã rút. Mặt khác, Mục 7 phần IV Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC quy định: “Trường hợp nguyên đơn rút một phần yêu cầu thì Tòa án không ra quyết định đình chỉ riêng mà phải nhận xét trong phần Nhận định của Tòa án trong bản án và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu trong phần Quyết định của bản án”. Với quy định và hướng dẫn như trên, một số vướng mắc đặt ra như sau:
(i) Đương sự có được quyền kháng cáo đối quyết định đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện/phản tố/yêu cầu độc lập tại Bản án xét xử sơ thẩm hay không? Bởi lẽ khoản 4 Điều 218 chỉ quy định về quyền kháng cáo quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm mà không quy định về quyền kháng cáo quyết định đình chỉ một phần yêu cầu của đương sự.
(ii) Đương sự có được quyền khởi kiện lại đối với phần yêu cầu cầu khởi kiện/phản tố/yêu cầu độc lập đã rút hay không? Bởi lẽ khoản 1 Điều 218 chỉ quy định về quyền khởi kiện lại cho trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, không quy định về quyền khởi kiện lại cho trường hợp đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu của đương sự.

- Điều 227 BLTTDS năm 2015 quy định về thời điểm hoãn phiên toà như sau:
“Điều 227. Sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa”
Theo quy định trên, thời điểm hoãn phiên toà sẽ nằm trong giai đoạn mở phiên toà. Ngoài ra, BLTTDS 2015 không có quy định về việc hoãn phiên tòa trước khi mở phiên xét xử (mặc dù có thể đã nhận được đơn đề nghị hoãn phiên tòa vì vắng mặt của đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự). Việc hoãn chỉ xảy ra khi đã mở phiên tòa và có người vắng mặt. Trong tình huống này, việc mở phiên tòa mang tính hình thức và ảnh hưởng đến thời gian của các bên.

II. Kiến nghị hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015
Trên cơ sở đánh giá những bất cập, vướng mắc của một số quy định tại BLTTDS năm 2015 nêu trên, chúng tôi nhận thấy việc sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTDS nhằm khắc phục những hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc, bổ sung các quy định mới để giải quyết những vẫn đề phát sinh từ thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo nên hành lang pháp lý tố tụng dân sự thông thoáng, phục vụ tốt công tác giải quyết, xét xử các loại án, bảo vệ quyền lợi người dân. Theo đó, chúng tôi đề nghị:

1. Nhóm quy định về xác định thẩm quyền của Toà án

a. Kiến nghị sửa đổi quy định
- Cần sửa đổi khoản 3 Điều 26 BLTTDS năm 2015 cho phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 theo hướng “Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án: 3. Tranh chấp về giao dịch dân sự”.
- Kiến nghị sửa đổi khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 về xác định thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án theo lãnh thổ như sau:
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp đối tượng tranh chấp chính là bất động sản;
Đối với vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp chính là bất động sản thì các đương sự không có quyền lựa chọn Tòa án, trừ trường hợp lựa chọn Tòa án nơi có một trong các bất động sản tranh chấp nếu tranh chấp về nhiều bất động sản;
b) Thẩm quyền của Tòa án đối với các vụ án khác theo thứ tự ưu tiên như sau:
Xác định theo sự thỏa thuận hợp pháp của nguyên đơn và bị đơn;
Xác định theo sự lựa chọn của nguyên đơn trong số các Tòa án được pháp luật quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ luật này;
Xác định theo Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức”

b. Kiến nghị bổ sung quy định
Để đảm bảo quy định về thẩm quyền giải quyết yêu cầu về lao động của Toà án theo lãnh thổ được đầy đủ, ngoài các trường hợp đã được liệt kê tại khoản 2 Điều 39 BLTTDS cần bổ sung thêm nguyên tắc xác định thẩm quyền của Toà án theo lãnh thổ đối với việc dân sự (tương tự như vụ án dân sự) nếu như không thuộc bất kỳ trường hợp nào được liệt kê.

2. Nhóm quy định về hoạt động cung cấp, thu thập chứng cứ

a. Kiến nghị sửa đổi quy định
- Để đảm bảo các bên đương sự được tiếp cận đầy đủ tài liệu, chứng cứ một cách nhanh chóng, kịp thời, khoản 9 Điều 70 BLTTDS năm 2015 nên sửa đổi như sau: “có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ bản sao đơn khởi kiện; đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện; đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập, đơn kháng cáo và tài liệu, chứng cứ trừ tài liệu, chứng cứ đã được Tòa án công khai cho các bên và tài liệu chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 Bộ luật này. Trường hợp vì lý do chính đáng không thể sao chụp, gửi đơn khởi kiện, đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, đơn phản tố, đơn kháng cáo và tài liệu, chứng thì họ có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ”

b. Kiến nghị bổ sung quy định
- Hội đồng thẩm phán TANDTC cần phải có văn bản huớng dẫn chi tiết để đương sự có thể chứng minh cho việc “đã tiến hành các biện pháp cần thiết nhưng không tự mình thu thập được chứng cứ”. Trong đó có thể bao gồm nội dung đương sự đã có yêu cầu bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân lưu giữ tài liệu chứng cứ nhưng trong thời gian bao nhiêu ngày các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó vẫn không cung cấp tài liệu chứng cứ  mà không có lý do chính đáng, làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như hoạt động thu thập, nghiên cứu, đánh giá chứng cứ
- Cần có văn bản hướng dẫn về các tiêu chí hoặc trường hợp được xác định là “lý do chính đáng” khi tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp đúng, đầy đủ tài liệu, chứng cứ trong thời hạn quy định theo yêu cầu của Tòa án. Đồng thời, quy định bổ sung chế tài được áp dụng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án để Toà án có căn cứ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khác xử lý những trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp không đúng, không đầy đủ tài liệu, chứng cứ được yêu cầu mà không có lý do chính đáng.
- Cần xem xét trao một số quyền hạn tố tụng cơ bản cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như quyền đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng.ng cơ bản cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như quyền đề nghị Toà án xác minh, thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng.

3. Nhóm quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại Toà án cấp sơ thẩm

a. Kiến nghị sửa đổi quy định
- Kiến nghị sửa đổi Khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 như sau: “..Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải có văn bản tường trình, giải thích lý do không có tài liệu, chứng cứ để nộp cho Tòa án hoặc không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
- Sửa đổi khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 BLTTDS năm 2015 như sau:
Điều 200. Quyền yêu cầu phản tố của bị đơn
….
3. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đầu tiên.
Điều 201. Quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
….
2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đầu tiên.
- Cần sửa đổi khoản 1 Điều 207 BLTTDS năm 2015 theo hướng như sau:
“Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.”

b. Kiến nghị bổ sung quy định
- Kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành hướng dẫn về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu của đương sự theo hướng áp dụng tương tự tinh thần được quy định tại Điều 218. Theo đó, quyết định đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu của đương sự được kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, đồng thời đương sự được quyền khởi kiện lại đối với phần yêu cầu cầu khởi kiện/phản tố/yêu cầu độc lập đã rút tại giai đoạn xét xử sơ thẩm.
- Đề nghị bổ sung quy định cho phép Thẩm phán được quyết định hoãn phiên tòa trước thời điểm mở phiên tòa sơ thẩm nếu đã được thông báo về sự vắng mặt của một trong các đương sự, người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Bổ sung quy định trong BLTTDS về việc nếu đã có Biên bản hòa giải không thành ở các giai đoạn trước đó thì tranh chấp được phân loại vào Điều 207. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được.
 
Trên đây là một số góp ý của Công ty Luật TNHH Brandco, với mong muốn cùng góp sức để hoàn thiện các quy định của BLTTDS, chúng tôi hi vọng những ý kiến được đưa ra sẽ được phần nào làm rõ được thực thi thi hành BLTTDS trong các hoạt động của Luật sư, từ đó có những đề xuất hữu ích sửa đổi những bất cập còn tồn đọng của BLTTHS.
share this post