Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan

I. Rà soát, đánh giá quy định của dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
1. Về hình thức
1.1. Bố cục của Dự thảo Nghị định
Theo Dự thảo, Nghị định dự kiến được cấu trúc thành 04 hoặc 05 chương. Trường hợp được cấu trúc thành 05 chương, Nghị định được bổ sung Chương “Quy trình xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan”. Trường hợp được cấu trúc thành 04 chương, Nghị định sẽ không có Chương “Quy trình xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan”, theo đó, tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này dựa trên các quy định của pháp luật khác có liên quan. Xét thấy, việc không quy định rõ quy trình xử phạt sẽ gây khó khăn, lúng túng cho các chủ thể (chủ thể bị vi phạm, chủ thể phát hiện hành vi vi phạm và chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm) trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan nên được cấu trúc theo Phương án bổ sung thêm Quy trình xử phạt vi phạm để đảm bảo thống nhất với Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp hiện hành.

1.2. Về bố cục từng chương
Qua quá trình rà soát, chúng tôi nhận thấy như sau:
- Đối với Chương I, IV, III và V, trình tự sắp xếp giữa các điều khoản về cơ bản đã phù hợp.
- Đối với Chương II, trình tự sắp xếp các điều khoản về hành vi vi phạm thiếu tính tính logic và nhất quán, ví dụ: Từ Điều 7 đến Điều 10 quy định về hành xâm phạm đối với quyền tác giả; Điều 11 quy định về hành xâm phạm quyền liên quan; Điều 12 đến 16 quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả; Điều 17 đến Điều 35 quy định về hành vi xâm phạm quyền liên quan….Việc quy định xen kẽ các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan sẽ gây khó khăn cho người đọc luật trong việc theo dõi. Do vậy, chúng tôi cho rằng Chương II nên được cấu trúc lại theo hướng xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả được liệt kê theo Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, tiếp đến là xác định hành vi xâm phạm quyền liên quan được liệt kê ở Điều 35 Luật sở hữu trí tuệ, tiếp đến là xác định hành vi xâm phạm chung, hành vi xâm phạm khác đối với quyền tác giả và quyền liên quan.
1.3. Cách đặt tên điều khoản chưa phù hợp với nội dung chứa dựng trong điều khoản đó
Ví dụ: Tên Điều 7 Dự thảo Nghị định là “Hành vi xâm phạm quyền đứng tên trên tác phẩm, nêu tên khi tác phẩm được công bố, sử dụng”. Cụm từ “Tác phẩm” trong Điều 7 nên được hiểu là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học theo Điều 14 Luật SHTT năm 2005, trong đó không bao gồm bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, nội dung Điều khoản này lại đề cập đến hành vi vi phạm đối với bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

2. Về nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định
2.1. Những quy định chung
a. Khoản 3, 4 Điều 2 Dự thảo Nghị định quy định về Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan chưa phù hợp. Cụ thể như sau:
Điều 2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Nghị định này trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet cũng bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định này nếu người tiêu dùng, người dùng hoặc người khai thác, sử dụng nội dung thông tin số tại Việt Nam.
3. Hộ kinh doanh, hộ gia đình, cộng đồng dân cư vi phạm hành chính bị áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm hành chính.
Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định tại các khoản 1 và 2 của Điều này, bao gồm:
Xét thấy, việc xác định hộ gia đình và cộng đồng dân cư là chủ thể vi phạm hành chính không khả thi trên thực tế vì theo quy định tại BLDS năm 2015, quyền xác lập, thực hiện hành vi nói chung và giao dịch dân sự nói riêng giữa các thành viên trong hộ gia đình và cộng đồng dân cư với bên thứ ba là độc lập nên các thành viên phải chịu trách nhiệm độc lập. Mặt khác, chưa có văn bản pháp luật nào trong lĩnh vực SHTT quy định trường hợp nào hộ gia đình và cộng đồng dân cứ được xác định là chủ thể vi phạm. Bên cạnh đó, việc dùng kỹ thuật liệt kê để cụ thể hoá “tổ chức” tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là không cần thiết.

b. Khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị định quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính chưa phù hợp, cụ thể
“Điều 4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
3. Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện và hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc về quyền tác giả, quyền liên quan
a) Hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm hại trật tự quản lý nhà nước
b) Hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.”
Điểm a khoản 3 Điều 4 quy định hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi mà tại thời điểm phát hiện, hành vi đó vẫn đang xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm hại trật tự quản lý nhà nước; điểm b khoản 3 Điểu 4 quy định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm bị phát hiện.
Như vậy, những hành vi vi phạm hành chính đã thực hiện xong nhưng hậu quả mà nó để lại, hay nói cách khác là tác động của hành vi vi phạm đó vẫn đang xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm hại trật tự quản lý nhà nước sẽ được xác định là hành vi vi phạm đang thực hiện hay đã kết thúc?

c. Quy định về mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 5 Dự thảo Nghị định về cơ bản chưa tạo được điểm đột phá so với Nghị định cũ, do vậy chưa tạo được sức răn đe và khắc phục những hạn chế vừa qua. Nếu vẫn giữ nguyên mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm của cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng thì chúng tôi cho rằng các hành vi xâm phạm (ở mức độ xử lý hành chính) về quyền nhân thân, quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng... sẽ tiếp tục xảy ra ngày càng nhiều, nhất là các vi phạm trên môi trường số.
2.2. Quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khác phục hậu quả
a. Điểm b khoản 3 Điều 7 và điểm b khoản 3 Điều 17 Dự thảo Nghị định căn cứ vào lỗi để xử phạt là chưa phù hợp và thiếu tính khả thi trên thực tế. Cụ thể:
Điều 7. Hành vi xâm phạm quyền đứng tên trên tác phẩm, nêu tên khi tác phẩm được công bố, sử dụng
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…..
b) Cố ý nêu sai tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ tác phẩm khi khai thác, sử dụng
 Theo tinh thần của Bộ luật Dân sự năm 2015, lỗi không còn được xác định là căn cứ để xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải được ngầm định là chủ thể vi phạm có lỗi. Do vậy, chúng tôi cho rằng chỉ cần xác định có hành vi nêu sai tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ tác phẩm khi khai thác, sử dụng là đã đủ cấu thành vi phạm hành chính mà không cần phải chứng minh hành vi đó xuất phát từ lỗi “cố ý” hay “vô ý”.

b. Khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 20, khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 27, khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 37 chỉ quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan mà số lợi bất hợp pháp thu được hoặc thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu quyền nằm trong giới hạn nhất định, chưa quy định trường hợp số lợi bất hợp pháp thu được hoặc thiệt hại gây ra chủ sở hữu vượt quá giới hạn đó thì bị xử phạt như thế nào.
Ví dụ: Khoản 1 Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định như sau:
Điều 32. Hành vi xâm phạn quyền phân phối đến công chúng bản định hình chương trình phát sóng
1. Phạt tiền đối với hành vi phân phối đến đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản định hình chương trình phát sóng dưới dạng hữu hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng như sau:
…….
d) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.00 đồng trong trường hợp số lợi bất hợp pháp thu được từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 60.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng”,
Theo quy định trên, trong trường hợp số lợi bất hợp pháp thu được từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng trên 100.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá trên 100.000.000 đồng, chủ thể có thẩm quyền xử lý vi phạm không có căn cứ để xác định mức xử phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm.

2.3. Quy định về quy trình xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan
Các quy định về trình tự thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xử lý vi phạm mới chỉ đặt ra giới hạn thời gian mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, trong khi đó thiếu vắng sự rõ ràng, cụ thể trong việc giới hạn thời gian mà cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc xác minh giải quyết đơn yêu cầu xử phạt vi phạm và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ chối ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
Khoản 1 Điều 52 Dự thảo Nghị định quy định việc nộp đơn và giải quyết đơn yêu cầu xử phạt vi phạm thực hiện theo quy định về nộp đơn và giải quyết đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 80 của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP. Tuy nhiên khi đọc Điều 80 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, chúng tôi không thể xác định trong trường hợp cơ quan xử lý hành vi xâm phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết và người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm đã bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết thì trong thời hạn bao lâu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ chối. Việc quy định nhập nhằng như trên đã dẫn đến việc lựa chọn biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan mất tính hiệu quả.
Trên thực tế, hiệu quả của việc áp dụng biện pháp dân sự, hình sự trong những trường hợp vi phạm quyền tác giả là không cao do việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm phức tạp (thậm chí có thể không phản ánh được giá trị của sự sáng tạo). Trình tự, thủ tục giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả tại tòa án lphức tạp, gây tốn kém về thời gian, công sức, tiền bạc cho các chủ thể; lại khó đáp ứng nhu cầu xác định nhanh và chấm dứt ngay hành vi xâm phạm quyền. Do vậy, bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung bằng biện pháp hành chính đã được đa số cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền lựa chọn. Để nâng cao hiệu quả của biện pháp hành chính, việc đặt ra giới hạn thời gian giải quyết đơn yêu cầu cho cơ quan xử phạt vi phạm hành chính là cần thiết để tạo động lực cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của mình và đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn yêu cầu xử phạt vi phạm, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích của các chủ thể có quyền bị xâm phạm.

II. Một số kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Nghị định
Từ những bất cập, vướng mắc trong các quy định của dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan nêu trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật như sau:

1. Về hình thức của Dự thảo Nghị định
- Kiến nghị cấu trúc Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giải, quyền liên quan theo Phương án 1, theo đó bổ sung thêm Chương “Quy trình xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan” để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các cá nhân, tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính trên thực tiễn.
- Kiến nghị cấu trúc lại Chương II quy định về Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Chia Mục 1. Hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả (được sắp xếp theo thứ tự Điều 28 Luật SHTT); Mục 2. Hành vi vi phạm hành chính về quyền liên quan (được sắp xếp theo thứ tự Điều 35 Luật SHTT); và Mục 3. Hành vi vi phạm hành chính khác đối với quyền tác giả và quyền liên quan.

2. Về nội dung của Dự thảo Nghị định

- Kiến nghị bỏ khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Dự thảo Nghị định
- Kiến nghị sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị định như sau: “Hành vi vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan đã kết thúc là hành vi đã thực hiện xong và không còn xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm hại trật tự quản lý nhà nước tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính
- Kiến nghị tăng mức phạt tiền đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (gấp 3 -5 lần so với hiện tại).
- Kiến nghị bỏ cụm từ “cố ý” tại Điểm b khoản 3 Điều 7 và điểm b khoản 3 Điều 17 Dự thảo Nghị định
- Kiến nghị bổ sung về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 13, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 20, khoản 1 Điều 22, khoản 1 Điều 26, khoản 1 Điều 27, khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 37 theo hướng: bổ sung mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm có số lợi bất chính thu được hoặc thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan hoặc giá trị hàng hoá vi phạm vượt các giới hạn đã được quy định tại các điều khoản trước đó. Ví dụ: bổ sung điểm e vào sau điểm d khoản 1 Điều 32 Dự thảo Nghị định như sau:
“Điều 32. Hành vi xâm phạm quyền phân phối đến công chúng bản định hình chương trình phát sóng
Phạt tiền đối với hành vi phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao bản định hình chương trình phát sóng dưới dạng hữu hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng như sau:
e) Từ ….đến…… trong trường hợp số lợi bất hợp pháp thu được hoặc giá trị thiệt hại trong trường số lợi bất hợp pháp thu được trên 50.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng trên 100.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá trên 100.000.000 đồng”.
- Kiến nghị bổ sung các quy định về thời hạn mà cơ quan có thẩm xử phạt vi phạm hành chính phải giải quyết đơn yêu cầu xử phạt vi phạm và ban hành hoặc từ chối ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
 
Trên đây là một số góp ý của Công ty Luật TNHH Brandco, với mong muốn cùng góp sức để hoàn thiện các quy định của Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, chúng tôi hi vọng những ý kiến được đưa ra sẽ được phần nào đóng góp trong việc hoàn thiện pháp luật liên quan đến Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, từ đó góp phần đưa quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan vào thực tiễn một cách có hiệu quả.
share this post